Liên quan đến dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và chỉ đạo của thủ tướng chính phủ về việc dừng các dự án đang triển khai tại sân golf Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã
nói rằng, Bộ Quốc phòng chủ trương: Quân đội không làm kinh tế nữa, tập
trung toàn lực xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh.
Xưa nay kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là một vấn đề chiến lược nhằm duy trì và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế có những tập đoàn của quân đội làm kinh tế rất hiệu quả, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), từ khi tham gia thị trường
viễn thông, đã phá thế độc quyền của các nhà mạng khác, thúc đẩy cạnh
tranh, giúp giá cước điện thoại, internet liên tục giảm mạnh trong khi
chất lượng dịch vụ được nâng cao. Viettel cũng đạt doanh thu, lợi nhuận
lớn, bằng nhiều nhà mạng khác cộng lại.
Tuy nhiên, điều đó cũng không làm mờ đi một thực tế là cũng không ít
đơn vị quân đội tham gia kinh doanh không hiệu quả, nhất là được sử dụng
những nguồn lực lớn về đất đai để kinh doanh. Không những thế, ở một số
nơi, việc cho thuê đất quốc phòng vào mục đích thương mại, trái quy
định cũng gây nên những hệ luỵ nhất định cho công tác quản lý.
Xưa Bác Hồ dạy trong Bài nói tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1
năm 1956: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân
đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một
lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá
hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội
đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch
thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều
việc”(1).Từ tư tưởng chỉ đạo đó, có thể thấy nhiệm vụ phòng thủ đất nước luôn được Đảng, Bác và nhân dân ta đề cao. Việc một số đơn vị trong Bộ Quốc Phòng làm kinh tế hiệu quả đã góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế của Bộ Quốc Phòng nói riêng và của đất nước nói chung. Nhưng nhiệm vụ chính của quân đội là đánh giặc và phòng thủ đất nước. Thiết nghĩ, Bộ Quốc Phòng có sự điều chỉnh trên là hoàn toàn chính xác. Với phẩm chất, bản lĩnh, ý chí tuyệt vời của quân đội nhân dân Việt Nam, nếu tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện khả năng phòng thủ đất nước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào việc sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đối phó xuất sắc với những mối đe dọa từ láng giềng và toàn cầu, xứng đáng với lời khen tặng của Bác "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Tái khẩu: Dĩ nhiên, như Viettel đang hoạt động hiệu quả thì nên duy trì, không nên một bước chấm dứt hoàn toàn các hoạt động kinh tế hiệu quả của quân đội, bởi có những lĩnh vực cần phải giữ bởi nó là mạch máu an ninh, an toàn của đất nước.
Trần Ái Quốc
(1)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.118.
Quân đội thực sự có mỗi mảng Viettel là nổi trội thôi, còn mấy lĩnh vực khác thì không thành công cho lắm. Viettel thì không thể bỏ đk rồi nhưng mấy lĩnh vực khác quân đội cũng nên rút đi, tham gia nhiều quá không hay đâu, tập trung cho lĩnh vực quốc phòng tốt hơn có thể là nghiên cứu sản xuất vũ khí trang thiết bị quân đội chẳng hạn.
Trả lờiXóa