9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy
điện tim thì đến 9 giờ 15 phút, tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sỹ, anh
em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim
Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào
nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi"
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước giờ Bác mất! |
Bác nằm chữa bệnh tại ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, ngôi nhà mà Bộ Chính trị quyết định làm tháng 5/1967 - trong lúc Bác sang Trung Quốc chữa bệnh, với mục đích bảo đảm an toàn cho Người trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.
Khi nhà
làm xong, Bác Hồ không nhận sử dụng riêng cho mình. Người nói: "Khi nào
có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho
chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ thôi."
Kể từ
ngày 20/7/1967 (ngày Bác đi Trung Quốc về), nơi đây trở thành địa điểm
Bộ Chính trị họp mỗi tuần một lần, ra những quyết sách lớn của Đảng và
Nhà nước. Bây giờ, trong hồ sơ di sản, ngôi nhà này được gọi là nhà 67.
Bài viết cuối cùng
Kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1969), tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết
bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, biểu
dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng
viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp
hòi.
Người chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn
đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục
lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh
danh, uy tín của Đảng cầm quyền.
Trong bài viết cuối cùng về đạo
đức trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ không quên dặn lại mọi người
cách làm người, nâng cao phẩm giá - cái gốc quý báu để bảo đảm cho cuộc
hành trình trong cuộc đời mỗi người tới đích vẻ vang. Ngẫm suy thời cuộc
hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tham nhũng đã trở thành nguy
cơ nội xâm, quốc nạn, càng thấy giá trị lớn lao lời dạy của Bác.
![]() |
Bác Hồ làm việc với thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Và tại ngôi nhà này, Bác đã để lại tấm gương đạo đức trong sáng để bây giờ cho ta học và làm theo.
Một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe báo Hà Nội Mới đưa tin Hợp
tác xã Ngũ Xã có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng. Bác nói
với đồng chí phục vụ: "Chú sang nói với Trung ương trong lúc đồng khan
hiếm không được làm như vậy, đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho
các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng liệt sĩ, sao không đúc tượng,
lại đúc tượng Bác?"
Vào thời gian sau ngày 12/8/1969, Bộ Chính
trị tổ chức họp bàn chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970. Cuộc
họp vắng Bác, vì Người đang mệt nặng. Một hôm, có đồng chí ủy viên Bộ
Chính trị vào thăm Bác và báo cáo lại với Bác quyết định của Bộ Chính
trị.
Nằm trên giường bệnh, nghe nói về những kỷ niệm sắp tới, Bác
rất vui. Nhưng khi nghe nói việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của
Người, Bác liền bảo: "Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Nghị quyết kỷ niệm
40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập
nước, các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân
dân. Các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, tiền bạc dùng để tuyên
truyền về ngày sinh của Bác, các chú nên dành để in sách giáo khoa và
mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí"
"Chúng tôi xin hiếm tim mình để thay tim cho Bác"
16 giờ ngày 12/8/1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây
nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và
ho, những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên,
xuống nhà sàn làm việc. Theo đề nghị của bác sỹ, ngày 18/8, Bác Hồ
không làm việc ở nhà sàn gỗ nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà
67. Kể từ hôm đó, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi
đây.
Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Ngày lễ Quốc khánh, Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút".
Ngẫm lại thì thấy thật kỳ lạ: 9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau
tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15, tim Bác ngừng đập
hẳn. Các bác sỹ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực
Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng
Phạm Văn Đồng trào nước mắt: " Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta
không qua khỏi nữa rồi ".
Thế là, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, từ
nơi đây truyền đến cho nhân loại nỗi đau Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho
“đời tuôn nước mắt”. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu dân tộc khỏi kiếp khổ
nạn, mang lại hạnh phúc độc lập cho mọi người dân, nhưng ngày đó Bác có
được hưởng đâu.
Và con số 9 mới linh thiêng làm sao: Bác ra đi
lúc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc
làm lễ truy điệu tiễn đưa Người về với thế giới người hiền.
Suốt
15 năm, Bác sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch, không có một lần nào
dân kéo về nhà Bác để làm bận lòng Bác. Trong những ngày Bác yếu, tuy
giữ bí mật rất cao về tình trạng sức khỏe của Bác, nhưng xe cộ hàng ngày
ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa bác sĩ vào
chữa bệnh cho Bác, đưa các phương tiện vào để chạy chữa bệnh cho Bác…,
nên dân dự đoán rằng có thể Bác ốm.
Vì thế, có nhiều người dân
đến Cổng đỏ (cổng ra vào Phủ Chủ tịch, hàng ngày Bác Hồ vẫn thường đi
lại cổng này), nói lên một tâm nguyện: Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin
hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác.
Từ ngày 3 đến ngày
6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, buồn rầu đội mưa thầm lặng,
trật tự đi đến Lễ đài Ba Đình để viếng ảnh Bác. Và những ngày thi hài
Bác quản trong linh cữu đặt tại Hội trường Ba Đình, vì đông người vào
viếng nên có những cháu nhỏ không vào viếng Bác được, cứ giằng co với
công an bảo vệ ngoài Hội trường, khóc lóc thảm thiết: Các chú trả Bác
cho chúng cháu đây…
Sau ngày Bác mất, một số chiến sỹ công an, trong đó có tôi gác tay súng, chuyển sang tay chổi, tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản cho Bác, hàng ngày quét dọn lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Bác đi rồi, ngôi nhà sao mà lạnh lẽo. Vì vậy chúng tôi đã đặt một lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày đốt nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng.
9 giờ 47
phút ngày 2/9/1989, tôi đã mời và đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố
vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng Phạm Văn Đồng vào thăm lại nơi Bác mất và thắp
nén hương tưởng nhớ Bác. Hai đồng chí cho ý kiến: “Nên có một nơi trang
trọng để thờ cúng Bác, vì hương hồn Bác vẫn mãi mãi ở lại nơi đây với
chúng ta”
Để từng bước thực hiện lời căn dặn này, Khu Di tích
Phủ Chủ tịch đã chỉnh trang để có được nơi thắp hương như hiện nay ở nơi
Bác mất. Sau đó, dần dần để khách đến thăm nhà Bác được thắp nén hương
nhớ Bác.
Và bắt đầu từ ngày 2/9/1994, chúng tôi mời các đồng chí
lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tới thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại
nơi đây vào những dịp lễ hàng năm 19/5, 2/9 và ngày Tết âm lịch. Theo
phong tục cúng giỗ tổ tiên của Việt Nam, từ năm 1994, cứ đến ngày 21/7
âm lịch, chúng tôi lại sắp mâm cơm giỗ Bác.
Năm 2002, với tấm
lòng thành kính của đứa con trông nhà cho Bác, tôi cầu khấn xin Bác cho
lập nơi thờ cúng trang nghiêm, rộng rãi để cháu con hôm nay và mai sau
về thắp hương tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, với bức tượng
đồng Bác ngồi ghế, tay Bác cầm kính đặt lên tờ báo để trên đùi, mắt nhìn
thẳng như dừng đọc báo để chào đón mọi người vào thăm.
Kể từ
ngày lập bàn thờ Bác ở đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ
tướng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thắp hương
tưởng nhớ Bác, cầu nguyện Bác phù hộ cho Quốc thái, Dân an.
TS. Trần Viết Hoàn (Nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch)