Kết luận tại Hội nghị Giải quyết về khiếu nại, tố cáo ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "Nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm,
khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng
của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức
tạp”.
Theo Thủ tướng, việc đúng thì
cần kiên trì thuyết phục, vận động người dân; việc không đúng thì phải
nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề "nhiệm kỳ
này, nhiệm kỳ kia" mà không dám nhận lỗi…; đồng thời, Thủ tướng yêu cầu
lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc,
công khai trên mạng.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình khiếu kiện, tố cáo, nhất là khiếu kiện
tố cáo đông người còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do một số cấp,
nhất là cấp địa phương còn lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc đối
thoại với người dân, đặc biệt là không nắm vững tình hình, bị động và
còn chủ quan.
Theo Thủ tướng, nhận thức của một số cán bộ còn mang nặng tư tưởng
“đối đầu” với người dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình. Một vấn đề
nữa là đối tượng phản động lợi dụng tình hình để kích động người dân.
Thủ tướng cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh
vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, sơ hở, yếu kém, nhất là công
tác quản lý sử dụng đất đai. Một số quy định của pháp luật còn bất cập,
không phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, việc thực
thi pháp luật chưa nghiêm. Thủ tướng nêu, trong phát triển kinh tế - xã
hội thì cần hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không
vì bên này mà bỏ qua lợi ích chính đáng của bên kia.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tiếp công dân về
giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện
nghiêm túc, chưa làm hết trách nhiệm với dân; xác minh thẩm tra sơ sài,
thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương hướng
giải quyết thiếu thuyết phục, thiếu khách quan, công tâm. Ý thức trách
nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hời hợt trong thực thi công
vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận
người dân còn hạn chế, đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của pháp
luật. Có trường hợp chây ỳ, đã được giải quyết có lý, có tình nhưng vẫn
khiếu nại kéo dài. Có trường hợp do phần tử xấu kích động, xúi giục đi
khiếu kiện để lấy tiền… Thủ tướng cho hay.
Từ các nguyên nhân này, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương
đối chiếu với tình hình nội bộ của địa bàn mình, tự xác định các nguyên
nhân từng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, từ đó có giải
pháp phù hợp, khả thi.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm,
khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng
của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức
tạp”.
Thủ tướng đề nghị từ Trung ương đến địa phương, các ngành có liên
quan như Thanh tra Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường, Công an…, đặc
biệt là các địa phương, cần vào cuộc để có thể thay đổi căn bản tình
hình, không để vì vấn đề khiếu nại tố cáo, gây mất ổn định tình hình đất
nước. Chính sách đối thoại đặt ra liên tục từ cơ sở đến các cấp ở địa
phương. Cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc, không khoán trắng việc tiếp
dân, giải quyết khiếu nại cho thanh tra, phòng tiếp dân. Địa phương nào
nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, chứng tỏ cấp ủy
chính quyền chưa thực sự quan tâm.
Mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở;
giải quyết đúng quy định, đối thoại, lắng nghe; giải quyết hợp lý, hợp
tình để không tạo thành điểm nóng. Đồng thời phải cầu thị, nghiêm túc
đánh giá sự việc theo đúng quy định của pháp luật. “Xác định rõ yêu cầu
này để từng cán bộ, từng cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo cho dân có
cách thức làm việc đúng đắn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh sách tất cả
các vụ việc phức tạp kéo dài tại 27 địa phương; lập kế hoạch thanh tra,
có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai trên
mạng. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố phải cung cấp đầy đủ
danh sách các vụ việc cho Thanh tra Chính phủ và phối hợp kế hoạch giải
quyết. Đồng thời, yêu cầu địa phương phân công rõ cơ quan chủ trì giải
quyết từng vụ việc.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu kiện trên địa
bàn. Cần lập chương trình tiếp công dân, giải quyết vụ việc, không ỷ
lại, khoán trắng cho một phó chủ tịch phụ trách.
Thủ tướng dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại
hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta
phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan
tâm lo lắng đến quyền lợi của họ”. Qua đó, Thủ tướng cho rằng, tất cả
các cấp, các ngành cần phải coi trọng việc giải quyết khiếu nại tố cáo,
coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Thủ tướng nói rất đúng, nếu người làm công tác quản lý làm đúng, quan tâm đến người dân thì người dân việc gì phải khiếu kiện nhiều. Nhưng tư tưởng đối đầu, rồi một số người còn hạch sách dân, làm sai mà không chịu nhận lỗi thì khiếu kiện nhiều là chuyện đương nhiên mà thôi. Người dân họ có hiểu chính sách của nn của Đảng hay không chính là trách nhiệm của những người làm quản lý phải làm đúng, khách quan và quan tâm đến người dân.
Trả lờiXóaCán bộ làm đúng, khách quan, trung thực, quan tâm đến nhân dân thì sẽ ít khiếu nại thôi. Cứ làm sai, làm dở, thiếu quan tâm nhiều khiếu nại thì lại đổ tại pháp luật này nọ. Pháp luật, chính sách đôi khi chỉ giải quyết một vế của vấn đề, phần còn lại nằm ở sự thực thi, quản lý của người làm cán bộ.
Trả lờiXóaThủ tướng nói rất đúng, nếu người làm công tác quản lý làm đúng, quan tâm đến người dân thì người dân việc gì phải khiếu kiện nhiều. Nhưng tư tưởng đối đầu, rồi một số người còn hạch sách dân, làm sai mà không chịu nhận lỗi thì khiếu kiện nhiều là chuyện đương nhiên mà thôi. Người dân họ có hiểu chính sách của nn của Đảng hay không chính là trách nhiệm của những người làm quản lý phải làm đúng, khách quan và quan tâm đến người dân.
Trả lờiXóaCán bộ làm đúng, khách quan, trung thực, quan tâm đến nhân dân thì sẽ ít khiếu nại thôi. Cứ làm sai, làm dở, thiếu quan tâm nhiều khiếu nại thì lại đổ tại pháp luật này nọ. Pháp luật, chính sách đôi khi chỉ giải quyết một vế của vấn đề, phần còn lại nằm ở sự thực thi, quản lý của người làm cán bộ.
Trả lờiXóa